Theo chuyên gia, quy định rất đáng chú ý này tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp gỡ bỏ được một gánh nặng rất lớn về thủ tục.
Theo Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì xây dựng, đây là một trong những giải pháp tại dự thảo nhằm tạo đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất xuất khẩu sẽ được chuyển sang đối tượng miễn thuế. Theo quy định hiện hành, những mặt hàng này là đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu, sau đó sẽ được hoàn thuế khi xuất khẩu.
Cũng theo quy định hiện hành, hàng hóa nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu sản phẩm gia công lại được miễn thuế. Trong khi về bản chất kinh tế thì hai trường hợp này giống nhau, đều là hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không tiêu dùng tại Việt Nam. Gỡ một gánh nặng
Phát biểu trước hội nghị ngày 4/8 tại Hà Nội về dự thảo Luật Thuế XNK, bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục thuế XNK, Tổng cục Hải quan cho biết quy định này nhằm khuyến khích sản xuất xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính trong việc thu nộp và hoàn thuế.
Cũng theo dự thảo, sẽ chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu, thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế. Tuy nhiên, đối tượng này chỉ được miễn thuế với điều kiện phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế của hàng tạm nhập tái xuất.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia Hải quan Phạm Thanh Bình bình luận rằng việc sửa đổi luật thuế XNK là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến xuất nhập khẩu.
Theo chuyên gia này, thì nội dung được đánh giá cao nhất trong dự thảo chính là quy định về đối tượng miễn thuế như trên. Bởi lâu nay, thủ tục nộp thuế và hoàn thuế với các đối tượng này “rất nặng nề”. Quy định miễn thuế sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hành chính, giảm được một gánh nặng với doanh nghiệp.
Rất hoan nghênh điểm mới này, song các doanh nghiệp dự hội nghị cũng chỉ ra một vấn đề, đó là Luật Quản lý thuế vẫn quy định nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất xuất khẩu là đối tượng chịu thuế. Do đó, cần quy định thế nào để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi, bà Lỗ Thị Nhụ nói khi luật mới ra đời thì đương nhiên quy định này tại Luật Quản lý thuế sẽ hết hiệu lực.
Không đồng tình với phát biểu của cơ quan quản lý, ông Phạm Thanh Bình cho rằng tốt hơn hết cứ ghi rõ vào dự thảo luật về các trường hợp áp dụng 2 luật. Hiện khá phổ biến tình trạng các nơi hiểu khác nhau về cùng một quy định, kể cả giữa các cơ quan nhà nước. Cần quy định thật rõ ràng, nếu không, doanh nghiệp sẽ “lãnh đủ”.
Thuế suất sẽ ổn định
Theo bà Lỗ Thị Nhụ, một trong những cải cách căn bản trong dự thảo là giãn thời hạn nộp thuế cho hàng XNK theo định kỳ, thay vì phải trả ngay khi thông quan. Hiện đa phần các DN (trừ DN ưu tiên) phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng, điều này chưa phù hợp. Hướng sửa đổi được đưa ra là DN chỉ phải kê khai nộp thuế 1 tháng/lần và không phải trả phí bảo lãnh, tiền chậm nộp…
Theo đại diện Petrolimex, một trong những vấn đề khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đau đầu nhất là việc thuế suất thường xuyên thay đổi. “Giá nhập khẩu cao thì thuế suất thấp, giá nhập khẩu thấp thì thuế suất cao, làm doanh nghiệp rất khó ứng xử trong việc xếp hàng, tính toán vốn”, vị này nói.
Bà Lỗ Thị Nhụ cho biết theo lộ trình cam kết thì tới năm 2018, phần lớn các dòng thuế xuất nhập khẩu sẽ được cắt giảm, do đó quan điểm xây dựng Luật Thuế XNK sửa đổi là không nhằm mục tiêu thu thuế, mà cố gắng ổn định thuế suất để doanh nghiệp có thể chủ động đàm phán những lô hàng lớn mà không sợ rủi ro.
Hiện dự thảo đưa ra 2 phương án về thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất.
Theo phương án 1, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu. Bộ Tài chính căn cứ vào nguyên tắc ban hành biểu thuế suất (được quy định tại luật), mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành để quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết.
Theo Bộ Tài chính, phương án này cơ bản như hiện hành và có ưu điểm là đảm bảo tính kịp thời trong việc xây dựng mức thuế suất tương ứng với từng thời kỳ. Tuy nhiên, phương án này có điểm hạn chế là tính ổn định của biểu thuế không cao, dễ phát sinh các ý kiến trái chiều khi quy định mức thuế suất giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp có liên quan.
Theo phương án 2, thẩm quyền của Bộ Tài chính (tại phương án 1) được giao cho Thủ tướng Chính phủ. Với ưu điểm tạo ra sự ổn định cao hơn của biểu thuế, đây là cũng phương án được Bộ Tài chính kiến nghị lựa chọn.
“Theo cảm nhận thì phương án 2 sẽ giúp ổn định thuế suất lâu dài hơn, doanh nghiệp đỡ bị tác động bởi thuế suất thay đổi, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu”, đại diện Petrolimex nói.
Hà Chính
Nguồn: Chính phủ
4,431,658
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn