Để cung cấp dịch vụ tư vấn luật tốt hơn cho quý khách, cũng như tăng sự chuyên sâu từng lĩnh vực luật. Văn phòng luật sư chúng tôi tổ chức chia thành nhiều Tổ tư vấn theo lĩnh vực, chế định pháp luật (mang tính tương đối). Mỗi Tổ tư vấn có những luật sư, chuyên viên pháp lý am hiểu chuyên sâu lĩnh vực phụ trách tư vấn pháp luật và thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý. Lĩnh vực tư vấn luật liên quan đến Hợp đồng kinh doanh thương mại là một trong những lĩnh vực mà chúng tôi tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên sâu. Lĩnh vực này do nhóm Luật Sư Về Hợp đồng thương mại phụ trách tư vấn và giải quyết tranh chấp. Với kinh nghiệm và hiểu biết của chúng tôi, Văn phòng luật sư Hoa Sen cam kết sẽ tư vấn và đưa ra giải pháp hiệu quả nhất cho khách hàng. Đồng thời, chúng tôi sẽ thực hiện việc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho quý khách. I. TƯ VẤN - SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI Thông thường để một văn bản hợp đồng được rõ ràng, dễ hiểu thì người ta chia các vấn đề ra thành các điều khoản hay các mục, theo số thứ tự từ nhỏ đến lớn. Trong nội dung của một hợp đồng thương mại cần hết sức lưu ý một số điều khoản sau: 1. Điều khoản định nghĩa: Điều khoản định nghĩa được sử dụng với mục đích định nghĩa (giải thích) các từ, cụm từ được sử dụng nhiều lần hoặc cần có cách hiểu thống nhất giữa các bên hoặc các ký hiệu viết tắt. Điều này rất quan trọng đối với hợp đồng thương mại quốc tế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng tư vấn giám sát xây dựng; bởi trong các hợp đồng này có nhiều từ, cụm từ có thể hiểu nhiều cách hoặc từ, cụm từ chuyên môn chỉ những người có hiểu biết trong lĩnh vực đó mới hiểu. Do vậy để việc thực hiện hợp đồng được dễ dàng, hạn chế phát sinh tranh chấp các bên phải làm rõ (định nghĩa) ngay từ khi ký kết hợp đồng chứ không phải đợi đến khi thực hiện rồi mới cùng nhau bàn bạc, thống nhất cách hiểu. Mặt khác khi có tranh chấp, kiện tụng xảy ra thì điều khoản này giúp cho những người xét xử hiểu rõ những nội dung các bên đã thỏa thuận và ra phán quyết chính xác. 2. Điều khoản tên hàng: Tên hàng là nội dung không thể thiếu được trong tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa. Để thuận lợi cho việc thực hiện hợp đồng và hạn chế tranh chấp phát sinh, tên hàng cần được xác định một cách rõ ràng. Hàng hoá thường có tên chung và tên riêng. Ví dụ: hàng hoá – gạo (tên chung), gạo tẻ, gạo nếp (tên riêng). Nên khi xác định tên hàng phải là tên riêng, đặc biệt với các hàng hoá là sản phẩm máy móc thiết bị. Tuỳ từng loại hàng hoá mà các bên có thể lựa chọn một hoặc nhiều cách xác định tên hàng sau đây cho phù hợp: Tên + xuất xứ; tên + nhà sản xuất; tên + phụ lục hoặc Catalogue; tên thương mại; tên khoa học; tên kèm theo công dụng và đặc điểm; tên theo nhãn hàng hoá hoặc bao bì đóng gói. 3. Điều khoản chất lượng hàng hoá: Chất lượng hàng hoá kết hợp cùng với tên hàng sẽ giúp các bên xác định được hàng hoá một cách rõ ràng, chi tiết. Trên thực tế, nếu điều khoản này không rõ ràng thì rất khó thực hiện hợp đồng và rất dễ phát sinh tranh chấp. Nói chung chất lượng sản phẩm, hàng hoá được thể hiện thông qua các chỉ tiêu kỹ thuật và những đặc trưng của chúng. Muốn xác định được chất lượng hàng hoá thì tuỳ theo từng loại hàng hoá cụ thể để xác định, dựa vào các chỉ tiêu về cơ lý, các chỉ tiêu về hoá học hoặc các đặc tính khác của hàng hoá đó. Nếu các bên thoả thuận chất lượng hàng hoá theo một tiêu chuẩn chung của một quốc gia hay quốc tế thì có thể chỉ dẫn tới tiêu chuẩn đó mà không cần phải diễn giải cụ thể. 4. Điều khoản số lượng (trọng lượng): Điều khoản này thể hiện mặt lượng của hàng hoá trong hợp đồng, nội dung cần làm rõ là: đơn vị tính, tổng số lượng hoặc phương pháp xác định số lượng. Ví dụ: Trong hợp đồng mua bán đá xây dựng để xác định số lượng các bên có thể lựa chọn một trong các cách sau: theo trọng lượng tịnh (kilôgam, tạ, tấn), theo mét khối, theo toa xe, toa tàu, hay theo khoang thuyền. Đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì cần phải quy định cụ thể cách xác định số lượng và đơn vị đo lường bởi hệ thống đo lường của các nước là có sự khác biệt. Đối với những hàng hoá có số lượng lớn hoặc do đặc trưng của hàng hoá có thể tự thay đổi tăng, giảm số lượng theo thời tiết thì cũng cần quy định một độ dung sai (tỷ lệ sai lệch) trong tổng số lượng cho phù hợp. 5. Điều khoản giá cả: Các bên khi thoả thuận về giá cả cần đề cập các nội dung sau: đơn giá, tổng giá trị và đồng tiền thanh toán. Về đơn giá có thể xác định giá cố định hoặc đưa ra cách xác định giá (giá di động). Giá cố định thường áp dụng với hợp đồng mua bán loại hàng hoá có tính ổn định cao về giá và thời hạn giao hàng ngắn. Giá di động thường được áp dụng với những hợp đồng mua bán loại hàng giá nhạy cảm (dễ biến động) và được thực hiện trong thời gian dài. Trong trường hợp này người ta thường quy định giá sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường hoặc theo sự thay đổi của các yếu tố tác động đến giá sản phẩm. 6. Điều khoản thanh toán: Phương thức thanh toán là cách thức mà các bên thực hiện nghĩa vụ giao, nhận tiền khi mua bán hàng hoá. Căn cứ vào đặc điểm riêng của hợp đồng, mối quan hệ, các điều kiện khác mà các bên có thể lựa chọn một trong ba phương thức thanh toán sau đây cho phù hợp: Phương thức thanh toán trực tiếp: khi thực hiện phương thức này các bên trực tiếp thanh toán với nhau, có thể dùng tiền mặt, séc hoặc hối phiếu. Các bên có thể trực tiếp giao nhận hoặc thông qua dịch vụ chuyển tiền của Bưu Điện hoặc Ngân hàng. Phương thức này thường được sử dụng khi các bên đã có quan hệ buôn bán lâu dài và tin tưởng lẫn nhau, với những hợp đồng có giá trị không lớn. Phương thức nhờ thu và tín dụng chứng từ (L/C) là hai phương thức được áp dụng phổ biến đối với việc mua bán hàng hoá quốc tế, thực hiện phương thức này rất thuận tiện cho cả bên mua và bên bán trong việc thanh toán, đặc biệt là đảm bảo được cho bên mua lấy được tiền khi đã giao hàng. Về thủ tục cụ thể thì Ngân hàng sẽ có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn các bên khi lựa chọn phương thức thanh toán này. 7. Điều khoản phạt vi phạm: Phạt vi phạm là một loại chế tài do các bên tự lựa chọn, nó có ý nghĩa như một biện pháp trừng phạt, răn đe, phòng ngừa vi phạm hợp đồng, nhằm nâng cao ý thức tôn trọng hợp đồng của các bên. Mức phạt thì do các bên thoả thuận, có thể ấn định một số tiền phạt cụ thể hoặc đưa ra cách thức tính tiền phạt linh động theo % giá trị phần hợp đồng vi phạm. Theo Bộ luật dân sự (Điều 422): “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm; mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận”. Nhưng theo Luật thương mại (Điều 301) thì quyền thoả thuận về mức phạt vi phạm của các bên bị hạn chế, cụ thể: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”. Do vậy, các bên khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật thương mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu các bên thoả thuận mức phạt lớn hơn (ví dụ 12%) thì phần vượt quá (4%) được coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và bị vô hiệu. Các trường hợp vi phạm bị áp dụng chế tài phạt các bên cũng có thể thoả thuận theo hướng cứ vi phạm các thoả thuận trong hợp đồng là bị phạt hoặc chỉ một số vi phạm cụ thể mới bị phạt. Ví dụ: thoả thuận là: “Nếu bên bán vi phạm về chất lượng hàng hoá thì sẽ bị phạt 6% giá trị phần hàng hoá không đúng chất lượng. Nếu hết thời hạn thanh toán mà bên mua vẫn không trả tiền thì sẽ bị phạt 5% của số tiền chậm trả”. 8. Điều khoản bất khả kháng: Bất khả kháng là sự kiện pháp lý nảy sinh ngoài ý muốn chủ quan của các bên, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng đã ký. Đó là các sự kiện thiên nhiên hay chính trị xã hội như: bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, núi lửa, chiến tranh, bạo động, đình công, khủng hoảng kinh tế. Đây là các trường hợp thường gặp làm cho một hoặc cả hai bên không thể thực hiện được hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ của mình. Khi một bên vi phạm hợp đồng do gặp sự kiện bất khả kháng thì pháp luật không buộc phải chịu trách nhiệm về tài sản (không bị phạt vi phạm, không phải bồi thường thiệt hại). Trên thực tế, nếu không thoả thuận rõ về bất khả kháng thì rất dễ bị bên vi phạm lợi dụng bất khả kháng để thoái thác trách nhiệm dẫn đến thiệt hại cho bên bị vi phạm. Trong điều khoản này các bên cần phải định nghĩa về bất khả kháng và quy định nghĩa vụ của bên gặp sự kiện bất khả kháng. 9. Điều khoản giải quyết tranh chấp: Đối với việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể: Trường hợp thứ nhất: Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết theo Điều 1, Điều 7, Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài ngày 25/02/2003 và Điều 2 Nghị Định số: 25/NĐ-CP ngày 15/01/2004. Trường hợp thứ hai: Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án; nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết. Khi các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thoả thuận phải nêu đích danh một tổ chức Trọng tài cụ thể, ví dụ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam”. Nếu chỉ thoả thuận chung chung là: “trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài” thỏa thuận này vô hiệu. Riêng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài thì các bên còn phải quan tâm đến việc lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là: luật của bên mua, luật của bên bán hay luật quốc tế (các công ước quốc tế – ví dụ: Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hoá). Đây là vấn đề hết sức quan trọng, để tránh những thua thiệt do thiếu hiểu biết pháp luật của nước ngoài hay pháp luật quốc tế thì thương nhân Việt Nam nên chọn luật Việt Nam để áp dụng cho hợp đồng thương mại. II. LUẬT SƯ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI Liên quan đến lĩnh vực giải quyết tranh chấp hợp đồng thưưong mại, chúng tôi có kinh nghiệm: 1. Hợp đồng mua bán hàng hóa; 2. Hợp đồng hợp tác kinh doanh; 3. Hợp đồng dịch vụ xây dựng, đầu tư; 4. Hợp đồng liên doanh - liên kết; 5. Hợp đồng thương mại quốc tế. Văn phòng luật sư Hoa Sen cung cấp dịch vụ luật sư tranh tụng – giải quyết tranh chấp tại các cấp Toà Án, tại các Tổ chức Trọng Tài, Tại Hội Đồng Cạnh Tranh bao gồm: 1. Tư vấn luật về cách thức giải quyết tranh chấp, đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của các bên tranh chấp. Đưa ra những phương án cụ thể có lợi nhất trong quá trình đàm phán, hòa giải(nếu có); 2. Hướng dẫn và tư vấn cho khách hàng trình tự thủ tục khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, điều kiện khởi kiện, tư cách chủ thể và soạn đơn khởi kiện gửi đến cơ quan có thẩm quyền. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng liên quan khi ban hành những quyết định không đúng thủ tục, trình tự…Ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. 3. Tiến hành điều tra thu thập chứng cứ - tài liệu, kiểm tra đánh giá chứng cứ - tài liệu để trình trước Tòa, Trọng tài; 4. Tham gia tố tụng với tư cách là luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ tại tòa án các cấp hoặc các Cơ quan tiến hành tố tụng khác; 5. Tham gia tố tụng với tư cách là đại diện ủy quyền- nhân danh khách hàng thực hiện tất cả các phương án và cách thức theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng một cách tốt nhất tại các phiên xử. III. LIÊN HỆ LUẬT SƯ TƯ VẤN SOẠN THẢO - GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI
Phòng 302, Tầng 3A, Tòa nhà HYAT Building, 31A Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM.
Điện thoại tư vấn: (84-8) 3823 5161 - (84-8) 3823 5162 -
(84-8) 3823 5163 - (84-8) 3823 5164
Điện thoại văn phòng: (84-8) 3824 7984
Email: vplshoasen@gmail.com - Website: www.luatsuhoasen.vn - www.lotuslawyer.info
Facebook: https://www.facebook.com/luatsuhoasen?ref=bookmarks
4.343.217
CÔNG TY LUẬT TNHH HOA SEN - LOTUS LAWYERS
Địa chỉ: 20 Phan Bội Châu, Phường 14, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: Điện thoại: 028.62949133 - 0919067968 (Viber/Zalo)
Email: luatsuhoasen@gmail.com - Website: http://www.luatsuhoasen.vn